Thứ Ba, 25 tháng 1, 2011

Nhiều ĐH tiếp tục xin mở thêm ngành học mới



Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, phương thức tuyển sinh năm 2011 sẽ không có nhiều thay đổi so với năm trước. Bộ dự kiến tăng chỉ tiêu ĐH, CĐ lên khoảng 6,5%. Do đó, nhiều trường đại học dự kiến mở thêm nhiều ngành học mới nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội.
Đầu năm 2011, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành trở lại việc mở ngành đào tạo đối với các trường đại học, cao đẳng. Do vậy nhiều trường tiếp tục xin mở thêm ngành học mới nhằm đáp ứng nhu cầu người học nếu Bộ GD-ĐT đồng ý.
Cụ thể, ĐH Hàng Hải dự kiến sẽ ở thêm ngành Toàn cầu hóa và Thương mại vận tải; ĐH Giao thông vận tải TPHCM dự kiến mở ngành Kỹ thuật công trình ngoài khơi; ĐH Nguyễn Trãi dự kiến mở ngành Kỹ thuật công trình xây dựng và Kỹ thuật môi trường.
Học viện Báo chí & Tuyên truyền mở thêm 2 chuyên ngành Chính sách công và Công tác xã hội; ĐH Sư phạm TPHCM dự kiến mở ngành sư phạm tiếng Nhật; ĐH Tài chính Marketing mở chuyên ngành Thuế nằm trong ngành Tài chính ngân hàng; ĐH Văn hóa TPHCM mở chuyên ngành Đạo diễn sự kiện văn hóa và Nghệ thuật dẫn chương trình; ĐH Hùng Vương TPHCM mở ngành Công nghệ thực phẩm.
ĐH Hà Tĩnh mở thêm 3 ngành: Tài chính ngân hàng, Marketing, Việt Nam học; ĐH Hùng Vương - Phú Thọ mở ngành Sư phạm hoá; ĐH Hùng Vương TPHCM mở ngành Công nghệ thực phẩm; CĐ Công nghiệp Quảng Ninh dự định mở thêm tới 5 ngành học: Công nghệ kỹ thuật cơ điện, Công nghệ kỹ thuật điện tử, Công nghệ kỹ thuật cơ - điện tử, Quản trị kinh doanh và Kỹ thuật trắc địa bản đồ…
Không mở thêm ngành học mới nhưng nhiều trường đại học “tốp trên”dự kiến tăng chỉ tiêu hệ ngoài ngân sách để đáp ứng nhu cầu xã hội như ĐH Y Hà Nội, Học viện Tài chính, ĐH Ngoại thương, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông

Nguồn : http://vietyen1.com/giaoduc/vi/news/Tin-giao-duc/Nhieu-DH-tiep-tuc-xin-mo-them-nganh-hoc-moi-150/

Năm 2011: Tăng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ lên 548.000


Thông tin mới nhất từ Bộ GD-ĐT cho biết, chỉ tiêu tuyển sinh ĐH,CĐ chính quy năm 2011 tăng 6,5% so với năm 2010; tuyển mới TCCN năm 2011 tăng 10% so với năm 2010. Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, tổng chỉ tiêu tuyển mới ĐH, CĐ năm 2010 là 514.500 sinh viên. Như vậy, với mức tăng 6,5%, tổng chỉ tiêu tuyển mới ĐH, CĐ năm 2011 sẽ khoảng 548.000 sinh viên, tăng thêm gần 33.500 so với năm 2010.
 
Uu tiên dành chỉ tiêu tăng thêm cho các trường có bổ sung đội ngũ giảng viên
 
Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, nguyên tắc xác định chỉ tiêu tuyển sinh: Các trường chủ động xác định chỉ tiêu tuyển sinh trên cơ sở thực hiện năm 2010, năng lực đội ngũ giảng viên, diện tích sàn xây dựng và báo cáo thực hiện 3 công khai. Bộ sẽ ưu tiên dành chỉ tiêu tăng thêm cho các trường có bổ sung đội ngũ giảng viên, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng diện tích phòng học, phòng thí nghiệm, thực hành, thư viện.
Chỉ tiêu tăng thêm dành đào tạo nguồn nhân lực theo địa chỉ cho các khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm, đào tạo bác sĩ, dược sĩ cho các địa phương, đào tạo giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học và giáo viên những bộ môn còn thiếu cho các vùng khó khăn, vùng dân tộc, 3 vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ; đào tạo cán bộ nông lâm ngư, theo hợp đồng của địa phương và doanh nghiệp.
Lãnh đạo bộ cho biết, chỉ tiêu đào tạo theo địa chỉ nằm trong tổng chỉ tiêu chính quy của các trường. Các đại học lớn, giữ ổn định quy mô đào tạo đại học chính quy, tăng chỉ tiêu đào tạo sau đại học.
Chỉ tiêu vừa học vừa làm, liên thông, bằng hai được xác định theo tỷ lệ chung bằng 60% so với chỉ tiêu chính quy. Một số ngành nghề, một số trường tự chủ tài chính chỉ tiêu có thể được tăng hơn.
 
 Chỉ tiêu tuyển sinh ĐH,CĐ chính quy năm 2011 tăng 6,5% so với năm 2010
 
Chỉ tiêu ĐH,CĐ chính quy năm 2011 của những trường trường trực thuộc Bộ: 150.000 chỉ tiêu, trong đó chỉ tiêu đại học là 132.000, chỉ tiêu cao đẳng 18.000.
Trong tổng 132.000 chỉ tiêu đại học chính quy, dự kiến dành 13.200 chỉ tiêu (10%) đào tạo theo địa chỉ và đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội.
Trung cấp chuyên nghiệp 19.000 chỉ tiêu, chủ yếu đào tạo sư phạm mẫu giáo, đào tạo trung cấp điều dưỡng, trung cấp dược, trung cấp luật và trung cấp nông lâm nghiệp.
Chỉ tiêu vừa làm vừa học, liên thông, bằng hai khoảng 100.000 chỉ tiêu.
Dự bị đại học, cao đẳng 4.150 chỉ tiêu (tăng 10% so với năm 2010) để phân bổ cho 5 trường dự bị trung ương và 3 khoa dự bị ở 3 trường ĐH Tây Bắc, ĐH Tây Nguyên và ĐH Cần Thơ.
Đào tạo phổ thông dân tộc nội trú 900 chỉ tiêu cho 3 trường phổ thông vùng cao Việt Bắc, Hữu Nghị T80 và Hữu Nghị T78.
Đào tạo học sinh phổ thông năng khiếu 1.100 chỉ tiêu cho 4 trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH VInh, ĐH Huế và ĐH Sư phạm TP.HCM.
Đối với đào tạo sau đại học, Bộ GD-ĐT đẩy mạnh đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ để nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên các trường đại học, cao đẳng, dự kiến tuyển mới đào tạo tiến sĩ 1.050 chỉ tiêu, đào tạo thạc sĩ 22.000 chỉ tiêu, tăng 20% so với năm 2010. Đào tạo chuyên khoa cấp 1, cấp 2, bác sĩ nội trú khoảng 1.250 chỉ tiêu tăng 10% so với năm 2010. Đào tạo từ xa tăng 10% là  74.000 chỉ tiêu so với năm 2010.
 
Năm 2010 không tuyển đủ chỉ tiêu
 
Được biết, tuyển sinh 2010, về đại học chính quy, Bộ giao cho các trường là 123.750 chỉ tiêu, đã tuyển được 118.035 chỉ tiêu đạt 95,8%. Hệ Cao đẳng Bộ giao 14.550 chỉ tiêu, tuyển được 16.035 chỉ tiêu đạt 110,2%. Như vậy, cả hệ đại học, cao đẳng chính quy thuộc các trường trực thuộc Bộ đã tuyển 134.605/138.300 chỉ tiêu, đạt tỷ lệ 97,3%. TCCN, Bộ giao cho các trường là 17.100 chỉ tiêu, theo báo cáo của các trường mới thực hiện được 7.041 chỉ tiêu. Hiện nay, các trường đang tiếp tục tuyển sinh.
 
Với kết quả tuyển sinh trên, quy mô hệ đại học chính quy ĐH,CĐ,TCCN của các trường trực thuộc Bộ hiện nay là: Đại học: 460.148 sinh viên. Trong đó, nhóm ngành kỹ thuật công nghệ  chiếm tỷ lệ cao nhất là 32,78%; tiếp theo là nhóm ngành kinh tế chiếm 27,72%; sư phạm 17,68%; nông lâm như 8,67%; xã hội nhân văn 7,15%; khoa học tự nhiên 2,72%; nhóm ngành y 2,02% và nhóm ngành nghệ thuật, thể dục thể thao 1,26%.
 
Quy mô đào tạo TCCN trong các trường trực thuộc bộ, tính đến thời điểm này là 27,347 học sinh, trong đó nhóm ngành kinh tế 9.390 hs (34,34%); kỹ thuật công nghệ 8.471 hs (30,98%), sư phạm 7.313 hs (26,74%); y dược 1.443 hs (5,28%); nông lâm ngư 670 ( 2,45%). 
 
Nguồn : http://vietyen1.com/giaoduc/vi/news/Tin-giao-duc/Nam-2011-Tang-chi-tieu-tuyen-sinh-DH-CD-len-548000-149/

Thứ Sáu, 21 tháng 1, 2011

Giáo dục năm 2011 có gì mới?

Năm 2010 đã qua, ngành giáo dục đã có nhiều thành tích và gặt hái được nhiều thành công đáng kể. Vậy năm 2011, ngành giáo dục có gì mới?
9 đối tượng được miễn, giảm học phí:
Bộ GD-ĐT chỉ đạo các địa phương xây dựng và áp dụng mức học phí mới từ năm học 2011. Đồng thời chấn chỉnh công tác quản lý thu, chi trong các cơ sở giáo dục nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước và nguồn lực của xã hội đầu tư cho giáo dục, chấm dứt tình trạng lạm thu trong trường học.
Những học sinh được miễn, giảm học phí: Trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên có cha mẹ thường trú tại các xã biên giới, vùng cao, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa hoặc bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế; Trẻ em bị bỏ rơi, mất nguồn nuôi dưỡng; trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại là mẹ hoặc cha mất tích hoặc không đủ năng lực, khả năng để nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật; trẻ em có cha và mẹ hoặc cha hoặc mẹ đang trong thời gian chấp hành hình phạt tù tại trại giam, không còn người nuôi dưỡng; Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định. Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông là con của hạ sĩ quan và binh sĩ, chiến sĩ đang phục vụ có thời hạn trong lực lượng vũ trang nhân dân. Học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo và hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo…
Học sinh, sinh viên các chuyên ngành nhã nhạc cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc và một số chuyên ngành, nghề nặng nhọc, độc hại được giảm 70% học phí.
Trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên là con cán bộ, công nhân, viên chức mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên; Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc diện hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo. Học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề… được giảm 50% học phí.
Triển khai nhiều chương trình mới
Triển khai thực hiện Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
Triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân 2008 - 2020 trước hết từ tiểu học.
Triển khai thực hiện Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010 – 2020.
Bộ yêu cầu, nhà trường phải triển khai bộ tài liệu hướng dẫn lồng ghép nội dung cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" vào nội dung giảng dạy một số môn học chính khoá và các hoạt động ngoại khoá ở các cấp học, trình độ đào tạo.
Triển khai giáo dục kĩ năng sống trong một số môn học và hoạt động giáo dục; Phổ cập kỹ năng bơi an toàn và chống đuối nước cho học sinh trước hết ở các vùng nhiều ao hồ, sông nước.
giao-duc-2011-co-gi-moi
Sửa đổi bổ sung Quy chế đào tạo ĐH,CĐ theo hệ thống tín chỉ
Đối với hệ ĐH,CĐ: Sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh hệ vừa học vừa làm theo hướng giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm xã hội cho các trường tất cả các khâu có liên quan.
Bộ GD-ĐT sẽ sửa đổi bổ sung Quy chế đào tạo ĐH,CĐ theo hệ thống tín chỉ cho phù hợp với thực tiễn; tăng cường giảng dạy kỹ năng mềm, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp và ngoại ngữ cho sinh viên.
Năm 2011 - 2015, tập trung kiểm định chất lượng THCN, CĐ, ĐH theo ngành và theo cơ sở đào tạo.; xây dựng tiêu chí về mức sàn trình độ đại học.
Về công tác tổ chức và cán bộ, Bộ sẽ thành lập Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học theo khối ngành.
Nhiều học bổng du học bằng ngân sách
Năm 2011, có 1.200 học bổng NSNN, 575 học bổng hiệp định, 200 học bổng diện xử lý nợ và khoảng 100 học bổng từ các nguồn khác.
Để thực hiện mục tiêu đào tạo 20.000 tiến sĩ vào năm 2010, sự kiến năm 2011 tuyển mới đào tạo tiến sĩ tăng 15%, đào tạo thạc sĩ tăng 10% so với năm 2010.

Nguồn : http://vietyen1.com/giaoduc/vi/news/Tin-giao-duc/Giao-duc-nam-2011-co-gi-moi-137/

Thứ Ba, 18 tháng 1, 2011

Nhất kinh tế, nhì công nghệ


Với hơn 80.000 lượt người trả lời, kết quả khảo sát trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT cho thấy 38% người đánh giá tài chính - ngân hàng đang là ngành “nóng” nhất, 22% cho là ngành quản trị kinh doanh.
Nhóm ngành từng một thời lừng lẫy là “nhất y nhì dược...” chỉ có 16% người chọn.
ThS Trần Thế Hoàng, trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, tư vấn cho thí sinh Đắk Lắk.
Nếu gộp tài chính - ngân hàng và quản trị kinh doanh vào chung trong khối ngành kinh tế sẽ thấy lượt người đánh giá khối ngành kinh tế đang "nóng" nhất sẽ lên đến 60% tổng số người tham gia trả lời. Có thể khẳng định đó không phải là những trả lời ngẫu hứng. Bởi lẽ thực tế tuyển sinh trong ba năm gần đây đã chứng kiến một lượng rất lớn thí sinh đăng ký dự thi vào khối ngành này.
Đổi phương án vào kinh tế
Chỉ tính riêng tuyển sinh năm 2009, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, khối ngành kinh tế - quản trị kinh doanh nhận đến 814.072 lượt thí sinh đăng ký, chiếm 38% tổng số hồ sơ đăng ký dự thi. Trong đó ngành tài chính - ngân hàng có 214.566 hồ sơ, kế toán 218.367 hồ sơ, kinh tế 127.431 hồ sơ và quản trị kinh doanh 253.708 hồ sơ.
Năm 2010, dù tổng số hồ sơ đăng ký dự thi giảm khá mạnh nhưng khối ngành kinh tế - quản trị kinh doanh vẫn chiếm tỉ lệ áp đảo so với các khối ngành khác. Tuy nhiên, một điều thí sinh cần hết sức quan tâm là số thí sinh đăng ký dự thi vào các trường chuyên đào tạo khối ngành kinh tế tăng thật sự không đáng kể.
Điển hình như Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐHQG TP.HCM) năm 2009 có khoảng 12.000 thí sinh đăng ký dự thi. Với mức điểm chuẩn năm 2009 không quá cao, sang năm 2010 tổng số thí sinh đăng ký dự thi trường này chỉ tăng rất ít với 12.467 hồ sơ. Thậm chí Trường ĐH Kinh tế TP.HCM trong năm 2009 có hơn 31.000 hồ sơ đăng ký dự thi nhưng sang năm 2010 giảm còn khoảng 25.000 hồ sơ.
Ở phía Bắc, Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng chỉ tăng khoảng 1.000 hồ sơ trong tổng số hơn 20.500 hồ sơ đăng ký dự thi vào trường năm 2010.
Điều này đồng nghĩa với việc một lượng lớn thí sinh theo đuổi nhóm ngành kinh tế đã không vào các trường chuyên ngành kinh tế bằng mọi giá. Thay vào đó, họ đã chọn vào khối ngành kinh tế ở rất nhiều trường đào tạo đa ngành lớn nhỏ khác nhau.
Có một thực tế là các ngành quản trị kinh doanh, kế toán hay tài chính - ngân hàng đều nằm trong tốp năm ngành đang được nhiều trường tuyển sinh nhất. Trong đó, ngôi quán quân thuộc về ngành quản trị kinh doanh với ít nhất 360 trường tuyển sinh. Kế đến là kế toán với 298 trường.
Không chỉ thí sinh đổ xô vào dự thi mà cả các trường cũng đang ồ ạt tuyển sinh khối ngành kinh tế. Nhờ vậy, thí sinh có nhiều phương án lựa chọn cho mình một trường phù hợp.
Công nghệ kỹ thuật nhiều lựa chọn
Khối ngành kỹ thuật - công nghệ sau một vài năm là ưu tiên lựa chọn số 1 đã nhường lại vị trí cho khối ngành kinh tế. Tuy nhiên, trong ba năm gần đây nhất, khối ngành này cũng có một số lượng hồ sơ đăng ký dự thi đáng kể. Năm 2009, tổng số hồ sơ đăng ký vào khối ngành này lên gần 700.000, chiếm đến 32% tổng hồ sơ đăng ký dự thi. Đến năm 2010, khối ngành này tiếp tục giữ được ưu thế của mình, đặc biệt là những ngành công nghệ.
Tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), trong khi hầu hết các ngành chỉ nhận 400-2.000 hồ sơ thì ngành công nghệ sinh học có đến 5.200 thí sinh đăng ký. Tương tự, ngành công nghệ sinh học của Trường ĐH Cần Thơ cũng có số lượng đăng ký dự thi vượt lên hẳn so với mặt bằng chung.
Bên cạnh đó, dù không còn gây "sốt" như khoảng 10 năm trước, ngành công nghệ thông tin vẫn được rất nhiều thí sinh chọn lựa. Năm 2009, có hơn 100.000 thí sinh đăng ký dự thi ngành công nghệ thông tin, chiếm 5% tổng hồ sơ đăng ký dự thi cả nước.
Trong khi đó, nhóm các ngành kỹ thuật dù nhiều trường cho rằng là ngành khó tuyển nhưng theo thống kê, đây vẫn là nhóm ngành thu hút khoảng 20% thí sinh lựa chọn mỗi năm. Ở các trường có thế mạnh về khối ngành này như Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM... các ngành kỹ thuật vẫn thu hút nhiều thí sinh.
Có thể thấy rõ điều này đối với ngành xây dựng của Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) trong tuyển sinh 2010. Đây là ngành có tỉ lệ "chọi" cao nhất của trường. Ngành xây dựng cầu đường của Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM cũng có tỉ lệ "chọi" lên đến 1/21 trong khi tỉ lệ "chọi" trung bình của trường chỉ là 1/7.
Dù vậy, thí sinh cần lưu ý rằng số lượng trường đào tạo nhóm ngành công nghệ - kỹ thuật cũng khá lớn. Trong đó có đến 297 trường tuyển sinh công nghệ thông tin, là ngành được đào tạo nhiều thứ ba sau quản trị kinh doanh và kế toán. Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử và cơ khí cũng được tuyển sinh ở rất nhiều trường với con số lần lượt là 144 và 108.
Chính vì thế, dù được nhiều thí sinh lựa chọn nhưng cơ hội vào học khối ngành công nghệ - kỹ thuật vẫn khá rộng mở.
Bức tranh chọn ngành những năm gần đây cũng cho thấy một thực tế không mấy sáng sủa đối với nhóm ngành nông lâm ngư nghiệp. Đây là nhóm ngành có tổng chỉ tiêu xấp xỉ hai nhóm ngành kỹ thuật - công nghệ và kinh tế - tài chính - ngân hàng. Thế nhưng, số lượng thí sinh đăng ký lại quá chênh lệch. Năm 2009, tổng số thí sinh đăng ký nhóm ngành này chỉ chiếm 5%.
Luật, sư phạm giảm
Những năm gần đây, số thí sinh chọn các ngành luật, sư phạm đang có dấu hiệu ngày càng ít dần. Trong năm 2010, số hồ sơ đăng ký dự thi vào Trường ĐH Luật TP.HCM giảm gần 3.000 bộ, còn khoảng 10.000 hồ sơ so với con số 13.200 của năm 2009.
Ở khối trường sư phạm, đã có nhiều phân tích về việc số lượng thí sinh đăng ký ngày càng giảm. Điển hình là Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nếu năm 2009 có 24.000 hồ sơ đăng ký dự thi, đến năm 2010 chỉ có 15.000 hồ sơ.
Riêng khối ngành khoa học xã hội không có nhiều biến động trong những năm gần đây.
Trong khi đó dù ngành công nghệ, kinh tế thay phiên nhau "lên ngôi", nhóm ngành y dược vẫn giữ "phong độ" với việc thu hút một lượng lớn thí sinh có học lực khá, giỏi dự thi. 
 

Ngành nào? Trường nào?: Lựa chọn cho tương lai gần

TS. Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học TPHCM cho biết: Ngành Công nghệ Sinh học (CNSH) là một trong những ngành khoa học mũi nhọn của nước ta trong thế kỷ này. Tuy nhiên, thực tế cử nhân ngành này đang thiếu nơi làm việc đúng nghĩa về CNSH.
 
Ảnh minh họa.
Trong tương lai gần, ứng dụng CNSH ở các doanh nghiệp phát triển mạnh, cánh cửa việc làm của các tân cử nhân ngành này sẽ khá rộng.
CNSH là một lĩnh vực rất rộng lớn, gồm nhiều chuyên ngành: Công nghệ sinh học y dược, sinh học nông nghiệp, sinh học môi trường, sinh học công nghiệp, sinh - tin học… Bởi vậy, người làm trong ngành này có thể chuyên về di truyền học, y học, thực vật học, nông nghiệp và các khoa học khác liên quan đến CNSH như: sinh học y dược, CNSH nông nghiệp, CNSH môi trường, CNSH công nghiệp, sinh tin học…
SV ra trường có thể công tác tại các viện kiểm nghiệm, viện nghiên cứu, các cơ quan y tế, bệnh viện, xí nghiệp dược, các viện nghiên cứu y dược, công ty chế biến thực phẩm, nông lâm nghiệp, thủy sản, bảo vệ môi sinh...
TS. Xô cho biết, người theo ngành này nhất thiết phải đam mê nghiên cứu và kiên nhẫn. Ngoài vững kiến thức cơ bản, kiến thức về chuyên môn của từng lĩnh vực còn phải chịu được môi trường làm việc với áp lực cao.
Ngành CNSH được đào tạo ở một số trường và tuyển sinh ở 2 khối A và B (một số trường chỉ tuyển khối B). Điểm chuẩn ngành này ở các trường tại khu vực phía Bắc năm 2010 như sau: ĐH KHTN (Hà Nội): khối A: 17,5 điểm, khối B: 20 điểm; ĐH Nông nghiệp Hà Nội: A:15 điểm, B: 17 điểm… Tại phía Nam, ĐH Bách khoa TPHCM: 19 điểm; ĐH KHTN TPHCM: A:17 điểm, B:21 điểm; ĐH Công nghiệp TP HCM: 13 điểm; ĐH Nông Lâm TPHCM: A: 15 điểm, B: 17 điểm; ĐH Mở TPHCM: A,B: 14,5 điểm.
Các khu vực khác như ĐH Khoa học Huế: khối A: 15 điểm, B: 19 điểm; ĐH Cần Thơ: A: 16 điểm, B: 17 điểm… Nhiều trường ĐH ở địa phương, ĐH vùng khác: ĐH Đà Lạt, ĐH Công nghệ Vạn Xuân (Nghệ An), ĐH An Giang… cũng đào tạo ngành này với điểm chuẩn đầu vào năm ngoái bằng điểm sàn: khối A: 13 điểm, khối B: 14 điểm. 
 

Chọn trường vừa sức


Dựa trên kết quả học tập bậc THPT, thí sinh có thể tự xác định nên đi theo hướng nào, đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) hay CĐ nghề, trung cấp, đồng thời nhận diện những điểm yếu cần cải thiện để đạt được mục tiêu.
S Lê Thị Thanh Mai tư vấn cho học sinh trong chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp.  Ảnh: Như Hùng
Hằng năm có trên hai triệu lượt thí sinh đăng ký dự thi vào ĐH, CĐ, khoảng 70% trong số đó đến dự thi. Số thí sinh đạt từ điểm sàn trở lên từ 32 - 34% (khoảng 70% là học sinh tốt nghiệp năm 2010). Trung bình, cứ 100 thí sinh tự do (tốt nghiệp từ năm 2009 trở về trước) chỉ 30% thí sinh có điểm thi đạt từ điểm sàn trở lên.
Điều này cho thấy những thí sinh thi đến lần thứ hai, thứ ba thường đạt kết quả không cao. Vì vậy, nếu biết tự lượng sức mình, thí sinh có nhiều hướng đi phù hợp ngay sau tốt nghiệp THPT.
Tuy nhiên, nếu năm 2009, cả nước có khoảng 4.200 ngành tuyển sinh ở trình độ ĐH, CĐ thì năm 2010 con số này đã là 4.500. Số cơ sở đào tạo ĐH, CĐ từ 422 vào năm 2009, sang năm 2010 cũng tăng lên 434. Tính cả các phân hiệu, con số này có thể sẽ cao hơn. Số cơ sở đào tạo, số ngành học tăng lên, cơ hội lựa chọn ngành của thí sinh cũng tăng.
Đồng thời đó cũng là thách thức đối với thí sinh, vì ngoài những khác biệt về chương trình, cơ sở, phương pháp, mỗi cơ sở đào tạo có điểm chuẩn khác nhau. Vì vậy, bên cạnh xác định sở thích nghề nghiệp, thí sinh phải cân nhắc đến sức học của mình khi chọn ngành, trường.
Thí sinh có thể tự nhận biết khả năng học tập của mình qua việc xác định kết quả học tập các môn học THPT có liên quan đến từng khối thi, theo các bước sau:
Kết quả thi tuyển sinh ĐH năm 2010 theo khối thi
Khối
Tổng
 Đạt từ điểm sàn trở lên
Điểm Trung Bình
Học sinh tốt nghiệp năm 2010
Học sinh tốt nghiệp các năm trước
Học sinh tốt nghiệp năm 2010
 Khối A
 10,7  79,2% - 10,7  7,1% - 15,4  25,1% - 15,9
 Khối B  11,3  79,8% - 11,5  4,6% - 15,5  27% - 16,2
 Khối C  11  73,2% - 10,9  10,2% - 15,6  24,9% - 15,9
 Khối D  11,1  83,7% - 11,1  5,5% - 15,3  29,8% - 15,7
 (Kết quả thi tuyển sinh cho thấy ở khối C, học sinh tốt nghiệp THPT các năm trước có điểm trung bình cao hơn học sinh tốt nghiệp THPT năm 2010)
Bước 1 - Xác định khối thi nổi trội nhất 
Kỳ thi tuyển sinh ĐH có các khối thi A, B, C, D với các môn thi tương ứng: toán, lý, hóa; toán, hóa, sinh; văn, sử, địa; toán, văn, ngoại ngữ. Căn cứ kết quả học tập ở THPT của các môn nói trên, thí sinh có thể tự xác định hai khối thi nổi trội nhất.
Để xác định, đầu tiên thí sinh phải tính điểm trung bình (ĐTB) từng môn trong mỗi khối thi bằng cách cộng ĐTB năm học của từng môn ở cả ba năm lớp 10, 11 và 12. Trong đó, do đề thi được ra theo chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12, nên điểm của lớp 12 cần được xem xét quan trọng hơn bằng cách nhân hệ số.
Nếu thí sinh chọn hệ số 2 cho điểm của lớp 12, khi tính ĐTB năm học của một môn nào, các bạn sẽ lấy tổng điểm của môn đó (sau khi đã nhân hệ số 2 cho điểm năm lớp 12) chia cho 4. Cộng ĐTB ba môn bạn sẽ được điểm học tập của khối.
Ví dụ ĐTB môn toán = (ĐTB năm học môn toán lớp 10 + ĐTB năm học môn toán lớp 11 + ĐTB năm học môn toán lớp 12x2)/4. ĐTB môn toán: (9,7+9,0+8,9×2)/4 = 9,1; ĐTB môn hóa: (8,4+8,0+8,3×2)/4 = 8,3; ĐTB môn sinh: (8,0+8,4+8,0×2)/4 = 8,1. Như vậy, điểm học tập khối B sẽ là: 9,1+8,3+8,1 = 25,5 điểm.
Bước 2 - Xác định khả năng
Bạn có thể tự ước đoán khả năng làm bài thi tuyển sinh (của khối thi tương ứng), gọi tắt là hệ số T. Thông thường, hệ số T sẽ lớn hơn 0 và nhỏ hơn 1. Hệ số T phụ thuộc nhiều yếu tố như trình độ của học sinh, nội dung đề thi, tâm lý của người làm bài thi...
Do vậy, thí sinh có thể tự ước đoán hệ số T hoặc tính hệ số T của mình thông qua việc giải đề thi tuyển sinh (có cùng khối thi mà thí sinh dự định thi) của những năm gần nhất. Lưu ý, việc giải đề thi các năm trước phải được thực hiện trong điều kiện như thi thật.
Chẳng hạn, khối A, B là hai khối mà thí sinh có ĐTB khối cao nhất, bạn sẽ tính hệ số T của hai khối này bằng cách lấy kết quả làm bài của ba môn thi chia cho 30 (công thức: TA = (kết quả làm bài thi môn toán + môn lý + môn hóa)/30 hoặc TB= (kết quả làm bài thi môn toán + môn sinh + môn hóa)/30).
Ví dụ, bạn thử làm đề thi tuyển sinh năm 2009 của ba môn khối B là 21 điểm, nghĩa là hệ số T khối B của bạn sẽ là: 21/30=0,7.
Bước 3 - Ước đoán kết quả thi ĐH
Kết quả thi tuyển sinh ĐH năm 2010 theo năm tốt nghiệp
  Thí sinh tốt nghiệp năm 2010  Thí sinh tốt nghiệp các năm trước
 Điểm trung bình Tỉ lệ  Điểm trung bình Tỉ lệ
 Đạt sàn  15,9  25,7%  15,4  6,4%
 Dưới sàn  8,6  53,7%  8,7  14,2%
 Cộng  10,8  79,4%  10,8  20,6%
Sau khi đã có điểm học tập của từng khối thi, hệ số T, thí sinh bắt đầu tính toán mức điểm ước đạt của mình ứng với khối thi đã chọn cho kỳ thi sắp tới. Cách tính dựa trên công thức: điểm học tập của khối thi nhân với T.
Ví dụ, với điểm học tập khối B của bạn là 25,5 điểm và hệ số T là 0,7, điểm ước đạt của bạn 25,5 x 0,7 = 17,8 điểm.
Tiếp theo, thí sinh tìm những ngành phù hợp với sở thích nghề nghiệp và có điểm chuẩn phù hợp với mức điểm ước đạt của mình, lưu ý thêm các thông tin về ĐTB của các thí sinh đạt từ điểm sàn trở lên theo khối ở các trường có tổ chức thi; lưu ý về ngành, nơi đào tạo, vị trí việc làm, mức học phí, tổ chức thi hay xét tuyển... để quyết định ngành sẽ dự thi.
Như vậy biết lượng sức mình và quyết tâm thì cơ hội thành công cao nhất sẽ đến với các bạn.
 
Tham khảo thêm tại http://vietyen1.com/giaoduc

Điểm chuẩn ngành Y - Dược cao chót vót


Không còn 'nhất Y, nhì Dược', song hai ngành này hiện nay vẫn có mức điểm chuẩn cao chót vót. Theo Thạc sĩ, bác sĩ Trương Tấn Trung, Trường ĐH Y Dược TPHCM, bệnh viện, phòng khám tư nhân… ngày càng nhiều, do đó luôn cần bổ sung nhiều nhân lực ngành này.
SV Đại học Y Dược TP HCM trong giờ thực hành.
Ngành y ở các trường đào tạo một số chuyên ngành như: Bác sĩ đa khoa, Bác sĩ chuyên khoa, Bác sĩ ngoại khoa, Bác sĩ phụ sản, Bác sĩ y tế công cộng (chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng, chương trình y tế chăm sóc sức khỏe cộng đồng), Bác sĩ y học dự phòng (công việc chính là chẩn đoán sức khỏe cộng đồng, sức khỏe dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm, làm công tác phòng chống các bệnh xã hội, quản lý các chương trình dịch vụ y tế, công tác truyền thông giáo dục sức khỏe…), Vật lý trị liệu (công việc bao gồm tập vật lý trị liệu nhằm phục hồi chức năng các cơ quan trong cơ thể bị bệnh), Kỹ thuật xét nghiệm và một số ngành liên quan đến lĩnh vực quản lý như: quản lý bệnh viện...
Hằng năm điểm chuẩn đầu vào ở các trường đào tạo ngành y rất cao. Cụ thể, điểm chuẩn năm 2010, ở khu vực phía Bắc: ĐH Y Hà Nội: Bác sĩ đa khoa: 24 điểm, Bác sĩ y học cổ truyền: 19,5 điểm, Bác sĩ răng – hàm – mặt: 22 điểm, Bác sĩ y học dự phòng: 18,5 điểm; Điều dưỡng, Kỹ thuật y học: 19 điểm; Y tế công cộng: 18,5 điểm. Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam: 18,5 điểm.
ĐH Y tế công cộng: 16,5 điểm. ĐH Y Dược (ĐH Thái Nguyên): Bác sĩ đa khoa: 21 điểm; Điều dưỡng: 17 điểm; Bác sĩ y học dự phòng: 17,5 điểm; Bác sĩ răng - hàm - mặt: 21,5 điểm. ĐH Y Thái Bình: Bác sĩ đa khoa: 22,5 điểm; Bác sĩ y học cổ truyền: 19 điểm; Bác sĩ y học dự phòng: 17,5 điểm; Điều dưỡng: 17 điểm…
Ở khu vực miền Trung và phía Nam, ĐH Y Dược TP HCM: Bác sĩ đa khoa: 23,5 điểm; Bác sĩ răng - hàm - mặt: 24 điểm; Dược sĩ đại học: 24 điểm; Bác sĩ y học cổ truyền: 19 điểm; Bác sĩ y học dự phòng: 17 điểm; Điều dưỡng: 18,5 điểm; Y tế công cộng: 16,5 điểm, Xét nghiệm: 21 điểm; Vật lý trị liệu: 18,5 điểm; Kỹ thuật hình ảnh: 19,5 điểm; Kỹ thuật phục hình răng: 19,5 điểm; Hộ sinh: 18 điểm; Gây mê hồi sức: 19 điểm. Khoa Y (ĐHQG TP HCM): Y đa khoa: 21 điểm.
ĐH Y Dược Cần Thơ: Bác sĩ đa khoa: 22 điểm; Nha khoa: 21,5 điểm; Bác sĩ y học dự phòng: 17 điểm; Điều dưỡng: 16 điểm; Y tế công cộng: 16 điểm; Kỹ thuật y học: 16,5 điểm… Học sinh cũng có thể học các chuyên ngành của ngành Y tại các trường ĐH khác như: ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương, ĐH Y Hải Phòng…
Ngành Dược: Dược học dựa trên nhiều ngành khoa học khác nhau, nhưng chủ yếu và cơ bản nhất là hoá học và sinh học. Đa phần các công việc trong ngành Dược khá nhẹ nhàng, dành nhiều thời gian trong phòng thí nghiệm hoặc quầy thuốc, ít phải đi lại, khá phù hợp với phái nữ.
Thạc sĩ, bác sĩ Trung nhận định: Do số trường đào tạo ngành Dược ở nước ta không nhiều nên sinh viên học ngành này ra trường sẽ không phải cạnh tranh quá gắt gao trong tuyển dụng. Năm 2010, điểm chuẩn ngành dược rất cao. Cụ thể: ĐH Dược Hà Nội: 23,5 điểm. Ở ĐH Y Dược (ĐH Thái Nguyên), Dược sĩ đại học: 21 điểm. ĐH Y Thái Bình: Dược sĩ: 20 điểm.
Tại TP HCM, ĐH Y Dược TP HCM: Dược sĩ đại học: 24 điểm. ĐH Y Dược Cần Thơ: Dược sĩ: 23 điểm… Hiện nay có khá nhiều trường trung cấp chuyên nghiệp đào tạo dược sĩ. Học trung cấp dược sau khi ra trường sẽ bắt đầu với công việc của dược sĩ trung học. Sau đó, có thể học cao lên và trở thành Dược sĩ đại học.
 
Tham khảo thêm: điểm chuẩn, điểm sàn tại đây http://vietyen1.com/giaoduc/vi/news/Tin-giao-duc/Diem-san-diem-chuan-va-diem-san-xet-tuyen-khac-nhau-nhu-the-nao-130/

Chủ Nhật, 9 tháng 1, 2011

Bắc Giang ra mắt mạng giáo dục EduNet


Giao diện trang web.
Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang khai trương website www.bacgiang.edu.vn, được đặt đồng thời trong mạng EduNet của Bộ GD&ĐT. Đến nay, 100% trường THPT trên địa bàn tỉnh được kết nối Internet.
Theo ông Quách Tuấn Ngọc, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin của Bộ GD&ĐT, đơn vị hỗ trợ thiết kế và triển khai mạng giáo dục cho Bắc Giang, đây là tỉnh đầu tiên trên toàn quốc có hệ thống trang web đầy đủ của tất cả các loại trường, từ mẫu giáo mầm non đến các trung tâm và trường cao đẳng, đại học.
Với giao diện giống mạng EduNet của Bộ GD&ĐT, trang web của Sở GD&ĐT Bắc Giang có nội dung phong phú hơn so với một số mạng của sở GD&ĐT ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng. Website cung cấp thông tin mới về ngành, tra cứu điểm, thiết bị dạy học, học bổng du học... Ngoài ra còn có phần tham luận về chất lượng đào tạo, cải cách giáo dục, phương pháp dạy - học, kinh nghiệm làm bài thi, học thêm - dạy thêm...